Welcome to Đá Việt Art & Gems Stone Center

Nằm ở trung tâm Tam Cốc, kề bên làng nghề chế tác đá Ninh Vân, Trung tâm Đá nghệ thuật và đá quý Hồng Quang – Cty TNHH Đá Việt Hồng Quang là một công trình kiến trúc có tổng diện tích 3.000m2, tâm điểm là tòa nhà có mặt bằng 450m2, chiều cao 27m được xây dựng hầu như hoàn toàn bằng đá trong 12 năm. Tòa nhà mang dáng dấp danh thắng Nhà thờ Phát Diệm với lối kiến trúc độc đáo, phối hợp hài hòa giữa đường nét cổ điển châu Âu (ở hệ thống cột, trán tường, tầng hầm) và hệ thống mái ngói cong, hoa văn trang trí truyền thống Việt. Giống như điểm nổi bật của trong kiến trúc của Nhà thờ Phát Diệm – một công trình bằng đá hoàn toàn thủ công, tòa nhà chính của Trung tâm Đá nghệ thuật và đá quý Hồng Quang cũng bố trí tất các các hạng mục theo một mặt bằng tổng thể hình chữ Vương, không gian đóng mở theo phong cách tạo cảnh phương Đông rõ nét: trước là hồ nước, sau là núi. Theo quan niệm người Á Đông “Tiền có thủy, hậu có sơn” là mong muốn mọi việc diễn ra tốt đẹp, an lành cho cuộc sống.

Đó là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc đình chùa phương Đông với với kiến trúc Gôtic của phương Tây. Tòa nhà này cũng mang dáng dấp nét kiến trúc đặc trưng đình chùa truyền thống của Việt Nam với vô số mái cong hình mũi thuyền, khác hơn so với những công trình ông giáo khác. Nhà thờ đá được kết hợp nhiều chi tiết chạm trổ rất tinh xảo. Các hình tượng thân thuộc với làng quê Việt Nam như tùng, cúc, trúc, mai hay hoa sen… được bài trí quanh các công trình. Toàn bộ phần mộc và nội thất của nhà thờ cùng các bức vách 2 bên được làm hoàn toàn bằng đá, trong đó sảnh chính của ngôi nhà có hệ thống cột đá rất to bằng đá granite được tuyển chọn kĩ càng và mất rất nhiều thời gian để đưa vào công trình này. Mái ngói được lợp bằng ngói mũi hài, loại ngói truyền thống của Việt Nam ở các đình chùa.

Kéo dài 12 năm xây dựng và thực hiện hoàn toàn bằng thủ công, một công trình nghệ thuật đặc sắc được hình thành dưới bàn tay tài hoa của các nghệ nhân. Hoa văn được chạm khắc trực tiếp lên những khối đá nguyên không hề cắt ghép. với hình ảnh hoa sen, chữ hán, tứ linh “Long-Ly-Quy-Phụng” hay tứ quý “Tùng-Cúc-Trúc-Mai”… được tạc khắc lên những cột, kèo, hiên, vòm cửa. Đề tài tứ quý thường được thể hiện phổ biến ở các công trình kiến trúc, tôn giáo được xây dựng bằng chất liệu gỗ, nhưng với chất liệu bằng đá thể hiện đề tài này thành công cần có sự công phu, sáng tạo của nghệ nhân. Tùng, cúc, trúc, mai được thể hiện trên đá ở Ninh Vân đã thể hiện được đặc điểm của từng loại cây với các biểu tượng: tùng – người quân tử, trúc – sự ngay thẳng, cúc – sự vận hành của thời gian, mai -sự thanh cao, khí tiết, đã được thể hiện với những đường nét uốn lượn mềm mại.

Hệ thống vòm trần bên trong sản chính là kiến trúc đặc trưng của châu Âu cổ điển Gothic nhưng trong quan niệm của người Việt “Vòm phía trên tượng trưng cho trời tròn còn phiến đá phía dưới tượng trưng cho đất vuông, rất phù hợp với quan niệm của người Á Đông về sự phù hợp giữa đất – trời, âm – dương.

Ngoài công năng trưng bày tác phẩm nghệ thuật, tòa nhà còn có các không gian giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang dấu ấn văn hóa Hoa Lư nói riêng, Việt Nam nói chung. Tâm điểm hệ thống trưng bày là không gian giới thiệu sản phẩm đá nghệ thuật, đá quý trang sức phục vụ nhu cầu sưu tập và làm đẹp.

Nhóm sản phẩm chạm khắc đá mỹ nghệ: đây cũng là mặt hàng chiếm số lượng lớn tại các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ ở Ninh Vân. Những bức tranh bằng đá được thể hiện với nhiều đề tài khác nhau: tứ quý, tứ linh, ngũ hạc quần tùng, long vân khánh hội, cảnh làng quê… với đầy đủ kích thước và kiểu dáng (hình vuông, hình chữ nhật, cuốn thư, rẻ quạt, thân cây…). Để có được một sản phẩm đá mỹ nghệ đẹp, được khách hàng ưa thích thì người thợ đá Ninh Vân ngoài tay nghề tài hoa ra thì còn một yếu tố nữa quyết định: đó chính là tâm tư, tình cảm của người thợ gửi gắm vào sản phẩm đó. Chỉ có như thế, sản phẩm mới mang phong cách riêng với vẻ đẹp không dễ gì nhầm lẫn với một địa phương nào khác. Cùng với sản phẩm tranh đá, còn có rất nhiều sản phẩm đá mỹ nghệ khác được người thợ Ninh Vân chế tác như: đôn đỡ chậu cây cảnh, các con vật trang trí: tỳ hưu, cóc ngậm ngọc, tượng thiếu nữ… để trang trí trong các phòng khách của mỗi gia đình hoặc các công ty, cơ quan.

Ở đây, dưới đôi bàn tay điêu khắc tài hoa của nghệ nhân, đá biến hóa thành muôn hình vạn trạng, trở nên mềm mại, uyển chuyển. Trên các phiến đá lớn ở tầng 3, có thể bắt gặp những hình chim phượng, bông sen thuần Việt được chạm khắc nổi rất sống động.. Những hoa lá cỏ cây, những vân mây uốn lượn, như mang nét uy nghi của chốn cố đô của lăng vua Đinh, vua Lê hay nét trầm mặc của các công trình đình chùa cổ ở Việt Nam. Không gian này được chủ nhân ngôi nhà thiết kế thành hai quầy bar hai bên với thiết kế tối giản của đồ gỗ, vừa hiện đại vừa sử dụng được nhiều công năng khi đón những đoàn khách lớn đến tham quan công trình. Ngoài sân tầng 3 là không gian thoáng đãng với một chòi Vọng Nguyệt ở trên cao, ở dưới là chòi thấp hơn sử dụng làm sân khấu nhỏ – nơi đây sẽ diễn ra những chương trình nghệ thuật dân gian quy mô nhỏ để góp phần giới thiệu nghệ thuật truyền thống của nước nhà tới những vị khách đến thăm.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *